Đau thần kinh toạ: Nguyên nhân, Triệu chứng, Cách điều trị, Phòng ngừa

2149
Đánh giá
Đau thần kinh toạ
Đau thần kinh toạ

Ai ai cũng tâm niệm phải làm sao để “sống vui, sống khoẻ”. Đúng vậy, niềm vui và sức khoẻ được coi là hai yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người. Sống khoẻ mạnh là điều mà ai cũng ao ước bởi “Có sức khoẻ là có tất cả”. Thế nhưng  mọi thứ thường không như mình mong đợi. Đến một lúc nào đó, con người ta sẽ cảm thấy lo lắng khi phải đối diện với một số bệnh lí mà mình không hề ngờ đến hay những bệnh lí khi về già,… Và một trong những nỗi lo đó chính là vấn đề đau thần kinh toạ.

Đau thần kinh toạ là gì mà khiến mọi người phải lo lắng đến vậy? Triệu chứng của đau dây thần kinh toạ là gì? Đau thần kinh toạ có nguy hiểm không? Có những phương pháp, bài tập nào để phòng và điều trị đau thần kinh toạ? Người bị đau thần kinh toạ cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt như thế nào? Đau thần kinh toạ kiêng ăn gì?….

Tất cả những lo lắng kể trên của bạn sẽ được giải đáp ở bài viết dưới đây của Y tế 24h. Hãy chú ý đọc thật kĩ các nội dung để nắm được những thông tin đầy đủ nhất về vấn đề đau thần kinh toạ nhé.

Đau thần kinh toạ là gì?

Trước khi tìm hiểu về đau thần kinh toạ là gì chúng ta cần phải biết về giải phẫu của thần kinh toạ.

Đau thần kinh toạ là gì?
Đau thần kinh toạ là gì?

Dây thần kinh toạ hay còn được gọi là dây thần kinh hông to. Dây thần kinh này có điểm xuất phát từ phần cuối của cột sống và kéo dài đến tận các ngón chân và được xem là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể con người, giúp cung cấp năng lượng, dinh dưỡng và điều khiển hoạt động, cảm giác của vùng hông và chi dưới.

Được tạo thành bởi 4 loại rễ thần kinh gồm có rễ thần kinh thắt lưng số 4 (L4) và rễ thần kinh thắt lưng số 5 (L5) cùng với các dây cung 1,2,3. Dây thần kinh toạ nằm ở sau lưng dưới, xuyên qua khoảng trống nhỏ ở cột sống rồi dạy dọc theo mặt sau của cơ đùi và kéo dài xuống tận những đầu ngón chân. Có 2 dây thần kinh toạ nằm ở bên trái và bên phải giúp điều khiển chức năng của 2 bên hông và chân tương ứng với nó.

Đau dây thần kinh toạ không phải là một loại bệnh lí mà do tổng hợp của nhiều nguyên nhân với triệu chứng khác nhau, gây tác động đến thần kinh toạ, khiến người bệnh có cảm giác đau nhức dọc từ vùng cột sống thắt lưng, mặt ngoài đùi đến cẳng chân, mắt cá và đau còn lan toả đến tận những đầu ngón chân. Hướng lan của cảm giác đau sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào vị trí dây thần kinh bị tác động, tổn thương.

Đau thần kinh toạ có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở những người trung tuổi, đang trong độ tuổi lao động từ 30 đến 50 tuổi. Kết quả của nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy nữ giới có tỷ lệ mắc phải tình trạng này cao hơn nam giới. Và đau thần kinh toạ được đánh giá là tình trạng phổ biến, thường gặp trong điều trị nội khoa, chỉ đứng sau viêm khớp dạng thấp. Người bệnh chủ yếu hay bị đau một bên dây thần kinh, dẫn đến suy giảm hoạt động, chức năng, gây đau và tê vùng hông và chi dưới bên đó, thậm chí tình trạng nặng có thể dẫn đến liệt chi dưới.

Đau thần dây thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Đau dây thần kinh toạ có nguy hiểm không?
Đau dây thần kinh toạ có nguy hiểm không?

Đau dây thần kinh toạ tuy không gây ra tử vong nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, họ sẽ phải chịu những cơn đau đớn kéo dài. Hầu hết các trường hợp nếu được phát hiện sớm, người bệnh kiên trì thực hiện các bài tập và có phương pháp điều trị phù hợp thì triệu chứng này có thể giảm bớt và sẽ tự khỏi sau khoảng vài tuần sau đó.

Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng đau dây thần kinh toạ có thể tiến triển lên yếu chi hay nặng hơn nữa là liệt chi dưới vĩnh viễn, người bệnh không còn cử động chi dưới bình thường như trước được nữa, khó khăn trong các hoạt động co, duỗi, hay gập chân, vặn mình,… 

Đôi khi, mức độ đau dây thần kinh toạ còn có thể gia tăng ảnh hưởng đến các bộ phận lân cận như ruột, bàng quang. Lúc này, phẫu thuật là điều cần thiết giúp cải thiện triệu chứng, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

Khi có các tác động gây chèn ép, tổn thương dây thần kinh toạ, người bệnh sẽ bị đau. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, gồm có:

Thoát vị địa đệm là nguyên nhân hàng đầu gây ra đau thần kinh đệm
Thoát vị địa đệm là nguyên nhân hàng đầu gây ra đau thần kinh đệm
  • Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến và hay gặp nhất, chiếm tới khoảng 80% trong số các nguyên nhân gây đau thần kinh toạ. Bởi khi bạn bị thoát vị đĩa đệm, phần đĩa đệm sẽ bị trượt ra khỏi vị trí ban đầu và chèn ép trực tiếp lên dây thần kinh toạ. Thoát vị đĩa đệm càng nặng, dây thần kinh toạ bị tác động càng mạnh, bên cạnh nỗi đau ở vùng lưng thì tình trạng đau và tê bì ở chi dưới càng gia tăng.
  • Một số trường hợp gặp phải những thay đổi bất thường do bẩm sinh hay yếu tố nào đó tác động ở vùng cột sống thắt lưng cùng.
  • Nguyên nhân bẩm sinh (từ khi sinh ra đã có): bệnh nhân có thể mắc phải những dị tật bẩm sinh, gây tác động đến dây thần kinh toạ, khiến bệnh dễ phát triển hơn so với người bình thường.
  • Những người thường phải ngồi lâu một chỗ, ít vận động cơ thể
  • Một số vấn đề sức khoẻ hay bệnh lí mắc kèm cũng có thể là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng đau thần kinh toạ. Bao gồm những viêm nhiễm, tổn thương vùng xung quanh dây thần kinh, các ổ viêm chèn ép, vi khuẩn, mầm bệnh cũng dễ dàng tác động đến dây thần kinh toạ.

Trong đó có thể kể đến một số nhiễm trùng do nhiễm lạnh, tác động của xoắn khuẩn giang mai, virus herpes, virus HIV AIDS,…

Bên cạnh đó còn do các bệnh lí mắc kèm như đái tháo đường, nhiễm độc kim loại nặng, đặc biệt là chì.

Ngoài ra, những tổn thương vùng xương chậu, cột sống cũng dễ gây ra triệu chứng đau thần kinh toạ. Các tổn thương thường gặp như hội chứng viêm mặt nhỏ của khớp cột sống hay viêm cơ tháp vùng chậu do vận động mạnh và tư thế không phù hợp, ở người già có thể là do hội chứng hẹp ống sống.

Di căn cột sống cũng là một nguyên nhân gây đau thần kinh toạ
Di căn cột sống cũng là một nguyên nhân gây đau thần kinh toạ
  • Đau thần kinh toạ cũng có thể là biểu hiện của tình trạng di căn cột sống do tác động của các khối u vùng tiểu khung, buồng trứng, u vú di căn ở nữ giới hay ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
  • Các khối u xuất hiện trong ống sống cũng là một trong số những nguyên nhân dễ gặp, đó có thể là u não màng tuỷ, u mỡ vùng tuỷ, u dây thần kinh tuỷ, u tuỷ hay các ổ áp xe ngoài màng cứng tại vùng thắt lưng.
  • Một số ít trường hợp có thể là do mang thai, các chấn thương và biến chứng từ chấn thân, một số khác do giãn tĩnh mạch quanh các rễ thần kinh, giãn tĩnh mạch màng cứng hay phì đại dây chằng vàng. Hơn nữa tình trạng to bất thường của rễ thần kinh thắt lưng số 5 và dây cung 1 cũng gây đau dây thần kinh toạ.

Triệu chứng của đau thần kinh tọa

Triệu chứng của đau thần kinh toạ rất đặc trưng, thường biểu hiện ở vùng hông, đoạn cuối của tuỷ sống, chân và bàn chân. Các triệu chứng phổ biến của đau dây thần kinh toạ mà bạn có thể nhận biết như:

Những triệu chứng đau thần kinh toạ
Những triệu chứng đau thần kinh toạ
  • Cảm giác đau lan toả, dọc theo chiều từ cột sống vùng thắt lưng sang hông, mông, lan tới mặt ngoài của đùi và tiếp tục đau dọc xuống cả phần cẳng chân, mắt cá chân và tới tận từng đầu ngón chân, điều này sẽ gây cảm giác cực kì khó chịu và cũng ảnh hưởng rất nhiều đến những vận động, hoạt động hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả người mắc đau dây thần kinh toạ đều bị đau “đầy đủ” ở những bộ phận trên. Mức độ và trị trí của các cơn đau sẽ tuỳ thuộc và vị trí mà dây thần kinh toạ bị tổn thương. Ví dụ, bạn sẽ bị đau từ vùng thắt lưng dọc tới khoeo chân nếu bị tổn thương rễ thần kinh số 4 và cơn đau sẽ chạm tới cả phần mu bàn chân và từng đốt ngón chân nếu rễ thần kinh số 5 bị tổn thương. Trong một vài trường hợp đặc biệt, bệnh nhân chỉ bị đau dọc theo chi dưới mà không bị tác động đến cột sống thắt lưng.
  • Nếu dây thần kinh toạ bên phải bị tổn thương thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, chức năng và gây đau vùng hông, chi dưới bên phải. Và trường hợp dây thần kinh toạ bên trái bị tổn thương cũng tương tự như vậy, cảm giác đau sẽ xuất hiện ở vùng hông và chi dưới bên trái. Các số liệu trước đó cũng cho thấy rất ít khi người bệnh bị đau cả hai bên mà thường sẽ chỉ bị ở bên trái hoặc bên phải.
Các triệu chứng của đau thần kinh toạ có mức độ khác nhau
Các triệu chứng của đau thần kinh toạ có mức độ khác nhau
  • Mức độ đau có thể sẽ khác nhau giữa những người bệnh khác nhau và những thời điểm khác nhau vì nó còn phụ thuộc vào mức độ bị chèn ép, mức độ bị tổn thương của dây thần kinh toạ, khả năng chịu đau của mỗi người, các yếu tố ảnh hưởng như lao động gắng sức,… Người bệnh có thể gặp phải các mức độ đau từ đau nhẹ đến trung bình, đau nhói từng cơn, cảm giác như bị điện giật hay thậm chí là những cơn đau dữ dội.
  • Cảm giác đau của người bệnh có thể sẽ gia tăng trong một số tình huống rất đơn giản như khi họ bị ho, hắt xì hơi hay ngồi một chỗ quá lâu, hoạt động mạnh, gắng sức,…
  • Trong một số trường hợp lại cảm thấy mệt mỏi, cơ yếu hơn đi kèm với cảm giá tê hay ngứa ran vùng hông và chân. Những cơn đau và tê rát ở chân có thể xảy ra đồng thời, ở những vị trí khác nhau.

Thời điểm nên đi khám đau thần kinh toạ

Thời điểm nên đi khám đau dây thần kinh toạ
Thời điểm nên đi khám đau dây thần kinh toạ

Không phải tất cả các trường hợp đau dây thần kinh toạ đều phải đến bệnh viện để điều trị. Trong một số trường hợp triệu chứng bệnh nhẹ và được phát hiện sớm, bạn có thể cải thiện tình trạng sức khoẻ của mình bằng việc điều chỉnh lối sống sinh hoạt, hạn chế ngồi và làm việc sai tư thế, bổ sung các dưỡng chất cần thiết vào chế độ ăn hàng ngày kết hợp với một vài bài tập yoga giảm đau thần kinh toạ,… cũng sẽ giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng và cơ thể dần dần hồi phục về ban đầu, xoá tan nỗi lo về những cơn đau thần kinh toạ.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra và nhận được tư vấn cụ thể, phù hợp từ bác sĩ.

Nếu cơn đau của bạn ở mức độ trung bình và nặng, các cơn đau kéo dài dai dẳng quá 1 tuần, các hoạt động tự chăm sóc tại nhà không có tác dụng cải thiện triệu chứng của bệnh, các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn thì lúc này, việc tìm đến bác sĩ là điều cần thiết bởi họ sẽ chẩn đoán, đưa ra lời khuyên và phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho tình trạng bệnh tình của bạn.

Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện một trong các triệu chứng như:

  • Đột ngột gặp phải các cơn đau dữ dội ở vùng thắt lưng và chân kèm theo biểu hiện tê chân, các cơ yếu ớt, mệt mỏi.
  • Gặp phải một chấn thương rất nặng vùng hông và chân ví dụ như tai nạn giao thông, ngã từ trên cao xuống,…
  • Ruột hay bàng quang có những bất thường, khó kiểm soát, gây chèn ép kéo dài lên dây thần kinh toạ.

Các đối tượng dễ gặp phải tình trạng đau thần kinh tọa

Có một số đối tượng sẽ có nguy cơ mắc đau dây thần kinh toạ hơn những người khác, cụ thể như:

Những đối tượng dễ gặp phải đau thần kinh toạ
Những đối tượng dễ gặp phải đau thần kinh toạ
  • Người cao tuổi thường gặp phải nhiều bệnh lí, các cơ quan cũng suy giảm hoạt động, chức năng, trong số đó có cột sống. Do vậy, tuổi càng cao thì khả năng mắc các bệnh về cột sống như thoát vị đĩa đệm hay gai cột sống càng tăng, mà đây lại là nguyên nhân hay gặp nhất dẫn đến đau dây thần kinh toạ.
  • Người bị béo phì cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cao vì trọng lượng cơ thể lớn, lượng mỡ dư thừa nhiều sẽ chèn ép lên cột sống cũng như các dây thần kinh, gây đau.
  • Tình trạng đau thần kinh toạ cũng hay gặp hơn ở những người có công việc nặng nhọc, phải xoay lưng hay phải ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài,…
  • Nguy cơ tổn thương thần kinh ở người mắc một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường,… cũng cao hơn so với những người bình thường khác.

Biện pháp phòng ngừa đau thần kinh tọa

Dù mắc phải bất kì bệnh nào cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh. Và đau thần kinh toạ cũng không ngoại lệ. Từ xa xưa đã có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đối với đau thần kinh toạ, nếu đã bị mà không thể điều trị dứt  điểm thì khả năng tái phát là rất cao. Vì vậy, những biện pháp phòng tránh luôn là điều cần đặt lên hàng đầu.

Bạn có thể áp dụng một số lưu ý sau để giữ cho cơ thể mình luôn mạnh khoẻ, phòng tránh các bệnh tật, trong đó có đau thần kinh toạ như:

Một số biện pháp phòng ngừa đau thần kinh toạ
Một số biện pháp phòng ngừa đau thần kinh toạ
  • Thường xuyên tập luyện những bài tập thể dục, thể thao đều đặn, hợp lý với tình trạng sức khoẻ và thể lực, tránh tập luyện quá sức.
  • Nên lựa chọn một số bài tập giúp cải thiện độ dẻo dai của các khối cơ đồng thời tăng cường sự linh hoạt của cột sống, giúp phòng tránh những tác động có hại lên vùng dây thần kinh toạ như yoga,…
  • Thực hiện một chế độ ăn uống healthy, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho hoạt động của các cơ, xương khớp, tránh để mình rơi vào tình trạng béo phì, hạn chế tối đa các chất chứa cồn như rượu, bia, không hút thuốc lá,…
  • Giữ cho tâm lý luôn được thoải mái, thư giãn nhất có thể, tránh những căng thẳng, stress,…
  • Không ngồi một chỗ quá lâu, nếu yêu cầu công việc không cho phép đi lại nhiều thì thi thoảng có thể đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế và cần kết hợp các bài tập nhẹ nhàng, tại chỗ để tạo sự linh hoạt cho các cơ.
  • Không nên nằm các loại đệm lò xo hay đệm dày nhưng lại quá mềm, gây sai tư thế của cột sống.
  • Hạn chế tối đa tình trạng làm việc quá sức, mang vác các vật nặng trong thời gian dài.
  • Luôn cố gắng giữ tư thế lưng thẳng dù trong bất kì mọi tình huống nào.

Các cách điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả

Một số biện pháp điều trị đau thần kinh toạ
Một số biện pháp điều trị đau thần kinh toạ

Điều trị tình trạng đau dây thần kinh toạ tuân theo 5 nguyên tắc dưới đây:

  • Xác định nguyên nhân gây bệnh và điều trị từ nguyên nhân để có hiệu quả tối ưu, tránh tái phát bệnh. Chú ý, một trong những nguyên nhân thường gặp nhất trong đau thần kinh toạ là do thoát vị đĩa đệm.
  • Kết hợp điều trị nguyên nhân với điều trị triệu chứng bằng các liệu pháp giảm đau, giúp phục hồi hoạt động và chức năng vùng hông và chi dưới của bệnh nhân một cách nhanh nhất.
  • Những đối tượng đau nhẹ và vừa có thể điều trị nội khoa trước.
  • Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, người bệnh gặp phải những biến chứng nặng và nguy hiểm, cần can thiệp ngoại khoa.
  • Trường hợp đau thần kinh toạ do các nguyên nhân ác tính như khối u ung thư,… thì cần phối hợp giữa điều trị giải ép cột sống và điều trị chuyên khoa để tránh những rủi ro không đáng có.

Điều trị nội khoa

  • Chủ yếu tránh những tác động cơ học đến vùng dây thần kinh toạ như điều chỉnh tư thế và có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lí.
  • Người bệnh nên nằm giường cứng, tránh mang vác vật nặng, duy trì một tư thế quá lâu, tránh các tác động mạnh vùng thắt lưng và chân.

Điều trị bằng thuốc

Vì bệnh nhân phải chịu những cơn đau liên tục, thường xuyên và ở nhiều mức độ nên việc sử dụng thuốc giảm đau là cần thiết. Tuỳ vào mức độ đau để lựa chọn thuốc giảm đau phù hợp, bạn có thể dùng Paracetamol, NSAIDS, hoặc có thể phối hợp 2 loại này trong tình trạng đau nặng. Nếu đối tượng mắc kèm bệnh dạ dày thì cần phối hợp thêm thuốc giảm tiết acid hoặc bảo vệ dạ dày để đảm bảo an toàn.

Thuốc giãn cơ cũng được sử dụng trong trường hợp này với vai trò giúp cơ được thư giãn.

Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng hoặc CT. Mũi tiêm này sẽ giúp giảm đau trong trường hợp tổn thương rễ thần kinh thắt lưng hoặc các dây cung trong bệnh thần kinh tọa.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được điều trị với các thuốc giảm đau thần kinh và thuốc bổ sung các vitamin nhóm B.

Điều trị bằng vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu cũng là một trong những biện pháp được lựa chọn đầu tiên trong điều trị tình trạng đau thần kinh toạ ở mức độ nhẹ hoặc sau khi đã điều trị bằng các biện pháp khác và có dấu hiệu tiến triển, gần hồi phục.

Điều trị vật lí đối với đau dây thần kinh toạ
Điều trị vật lí đối với đau dây thần kinh toạ

Một số hoạt động trong vật lý trị liệu gồm có:

  • Các bài massage, bấm huyệt gia truyền, hiệu quả trong đau thần kinh toạ
  • Các bài tập nhẹ nhàng giúp cột sống được thư giãn, tăng cường sự linh hoạt, khoẻ mạnh của cột sống như tập xà đơn, bơi lội, yoga,…
  • Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng một vài phương tiện hỗ trợ như đeo đai lưng cố định cột sống, tránh gây áp lực làm nặng tình trạng thoát vị đĩa đệm, từ đó giảm các chèn ép lên dây thần kinh toạ.

Phương pháp vật lý trị liệu không chỉ giúp bạn nâng cao khả năng hồi phục, loại bỏ các triệu chứng mà còn giúp bạn tránh được những tác dụng không mong muốn, tương tác có thể xảy ra từ hoá trị liệu hay của các phẫu thuật.

Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa cho đau thần kinh toạ
Điều trị ngoại khoa cho đau thần kinh toạ

Chỉ áp dụng điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa và các biện pháp khác thất bại hay những tình trạng bệnh tình quá nghiêm trọng, phải nhanh chóng chữa trị dứt điểm vì việc chậm trễ có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là bại liệt. Trong một số trường hợp dây thần kinh toạ bị chèn ép quá mạnh như những người có hội chứng đuôi ngựa, đã bị liệt chân hay ống sống nhỏ hơn bình thường,… các bệnh nhân bị teo cơ thì chỉ định ngoại khoa là cần thiết để giảm thiểu tối đa những nguy cơ có thể xảy ra với người bệnh, đảm bảo an toàn và sức khoẻ.

Có rất nhiều phương pháp phẫu thuật hiện đại, hiệu quả mà chúng ta có thể lựa chọn tuỳ theo những tổn thương, mức độ nặng của triệu chứng như phương pháp nội soi, sử dụng sóng cao tần, vi phẫu hay mổ thường để chỉnh lại tư thế cột sống,..

Hiện nay, có 2 phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị đau thần kinh toạ là:

  • Phẫu thuật lấy nhân đệm: Đây là thủ thuật cắt bỏ một phần nhỏ đĩa đệm bị sai lệch vị trí, giúp giảm tác động gây chèn ép thần kinh. Phương pháp này được thực hiện nếu như bệnh nhân đã được điều trị đau trong vòng 3 tháng nhưng không mang lại hiệu quả. Với trường hợp bệnh nhân đã xuất hiện các biến chứng ở mức độ nặng thì nên chỉ định phẫu thuật lấy nhân đệm sớm hơn.
  • Phẫu thuật cắt cung sau đốt sống: dùng cho các trường hợp bị hẹp ống sống gây ra đau thần kinh toạ. Tuy nhiên, phương pháp này có điểm hạn chế là sau khi phẫu thuật, cột sống sẽ yếu hơn, dễ bị tác động và không có tác dụng điều trị triệt để, tình trạng đau thần kinh toạ vẫn dễ quay trở lại sau một thời gian phẫu thuật.

Ngoài ra, các bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp cải thiện độ cứng của đốt sống hay nẹp vít cột sống trong trường hợp liên kết giữa các đốt sống lỏng lẻo, dễ bị trượt lên nhau gây chèn ép mạnh và trực tiếp đến dây thần kinh.

Điều trị hỗ trợ

Trong quá trình điều trị bệnh, có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ giảm đau thần kinh toạ  như chườm lạnh và chườm nóng:

Người bệnh có thể chọn thêm những điều trị hỗ trợ đau dây thần kinh toạ khác
Người bệnh có thể chọn thêm những điều trị hỗ trợ đau dây thần kinh toạ khác
  • Chườm lạnh: lấy một chiếc khăn sạch bọc ra bên ngoài túi nước đá, sau đó đặt lên vùng bị đau trong khoảng 20 phút, có thể thực hiện mỗi khi bị đau hoặc đều đặn vài lần trong ngày.
  • Chườm nóng: có thể cung cấp một lượng nhiệt vừa đủ bằng việc sử dụng túi chườm nóng, miếng dán sưởi ấm hay đèn nhiệt sau khoảng 2 -3 ngày. Nếu tình trạng đau không cải thiện có thể phối hợp cả chườm lạnh và chườm nóng, thực hiện xen kẽ.

Các phương pháp điều trị khác

Bên cạnh các phương pháp kể trên, bạn cũng có thể áp dụng một số phương pháp điều trị thay thế như châm cứu để giảm đau hay nắn khớp xương, giúp xương cột sống trở về vị trí ban đầu,…

Nên phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt, đặc biệt trong giai đoạn cấp tính để có thể điều trị tận gốc, không để tình trạng tái phát chuyển sang thể mạn tính và gây ra những biến chứng nguy hiểm, rất khó để điều trị hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của bạn và rất có thể sẽ trở thành gánh nặng của những người xung quanh.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ hữu ích đối với bạn, giúp bạn hiểu rõ được thế nào là đau thần kinh toạ, triệu chứng của nó và có các biện pháp phòng tránh, điều trị thích hợp để đảm bảo sức khoẻ tối ưu nhất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cảm ơn các bạn đã đón đọc, nếu có bất kì thắc mắc nào, bạn có thể gửi vào mục tin nhắn phản hồi để nhận được câu trả lời thoả đáng nhé.

Xem thêm: Thuốc bôi giảm đau an toàn Nociceptol Gel Pháp