Viêm ruột thừa là một bệnh lí nguy hiểm, cần được phát hiện và phẫu thuật sớm để loại bỏ bởi nếu không may để phần ruột thừa đó vỡ ra sẽ cực kì nguy hiểm, có thể gây viêm nhiễm toàn ổ bụng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Và thông thường, sau mỗi một cuộc phẫu thuật, chúng ta cần phải chú ý rất nhiều điều, bao gồm cả chuyện “chăn gối”.
Viêm ruột thừa là gì mà lại cần phẫu thuật? Mổ ruột thừa có thể gặp phải những rủi ro nào? Mổ ruột thừa bao lâu mới được quan hệ lại? Mổ thường và mổ nội soi khác gì nhau?… đang là những chủ đề đón nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Bài viết dưới đây của Y tế 24h sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên.
Viêm ruột thừa là gì mà lại cần phẫu thuật?
Đúng như tên gọi của nó, ruột thừa là một đoạn ngắn có cấu trúc dạng ống nhỏ xuất phát từ manh tràng (đoạn đầu ruột già), nếu thiếu đi cơ thể vẫn hoạt động và duy trì các chức năng như bình thường.
Viêm ruột thừa là tình trạng viêm hay nhiễm trùng do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa. Bất kì ai đều có thể gặp phải tình trạng viêm ruột thừa, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 10 đến 30. Phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho các trường hợp này chính là cắt bỏ ruột thừa và cần can thiệp sớm trong vòng 24 giờ đầu, trước khi ổ viêm quá lớn khiến ruột thừa bị vỡ ra.
Những người bị viêm ruột thừa thường có các triệu chứng điển hình như đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu phải hoặc thượng vị đi kèm với buồn nôn, nôn, sốt khoảng 38 độ C do có tình trạng viêm, chướng bụng, chán ăn, tiêu chảy,…
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho bạn bị viêm ruột thừa như
- Sỏi phân, nguyên nhân thường gặp nhất trong viêm ruột thừa. Do sỏi phân sẽ gây ra tắc nghẽn tại ruột thừa, tăng áp lực trong lòng ruột đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn đường ruột có cơ hội phát triển và gây bệnh.
- Sự có mặt của giun, sán, các khối u hay hạch bạch huyết trong lòng ruột thừa cũng gây ra tình trạng tắc nghẽn.
- Những tổn thương ở thành ruột thừa gây ra viêm, loét
- Thương tổn viêm do loét ở niêm mạc gây nhiễm khuẩn ở thành ruột thừa.
- Sự phát triển của một số vi khuẩn gây viêm ruột thừa như E.coli, Bacteroides Fragilis.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ruột thừa bị viêm có thể vỡ ra, gây ra nhiều biến chứng bất lợi, trong đó có Viêm phúc mạc, tạo ra các ổ áp xe trong bụng, gây hoại tử mô ở vùng bụng,…
Một số rủi ro có thể gặp khi mổ ruột thừa
Bất cứ cuộc phẫu thuật nào đều tồn tại những rủi ro, nguy hiểm, và mổ ruột thừa cũng thế! Trong quá trình mổ ruột thừa cũng như sau thời gian này, người bệnh phải đối mặt với khá nhiều vấn đề như:
- Quá trình phẫu thuật có thể gây mất máu nhiều, khiến cho sức khoẻ suy yếu hơn.
- Dễ nhiễm trùng vết mổ, đặc biệt là trường hợp mổ thường.
- Các cơ quan vùng ổ bụng như ruột non, bàng quang,… có thể bị tổn thương khi phẫu thuật loại bỏ ruột thừa, ảnh hưởng đến chức năng, hoạt động của chúng.
- Nếu mổ không cẩn thận, gây vỡ ruột non sẽ càng gây ra nhiều khó khăn,.
- Việc mổ ruột thừa có khả năng tạo ra cục máu đông tại các tĩnh mạch sâu, cản trở tuần hoàn máu
- Cần có thời gian để vết mổ lành lại như bình thường, có thể bị đau, khó chịu và vết mổ sau khi lành cũng sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.
Do vậy ,việc chăm sóc và bồi dưỡng cơ thể sau phẫu thuật là điều cực kì quan trọng, đảm bảo an toàn và sức khoẻ của người bệnh và cũng giúp cho vết thương nhanh chóng hồi phục hơn.
Mổ ruột thừa thường được đánh giá là khá an toàn. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý và tới gặp bác sĩ ngay để được phát hiện và xử trí kịp thời khi có những dấu hiệu bất thường, nhất là tại vị trí vết mổ. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm thường gặp sau mổ:
- Vết mổ sưng đau quá mức, gây cảm giác khó chịu hay bị rỉ máu, tổn thương
- Cảm giác ớn lạnh
- Ăn không thấy ngon, buồn nôn và nôn
- Sốt cao vì sốt thường là triệu chứng báo hiệu bạn đang bị tấn công bởi các loại virus, vi khuẩn,…
- Dạ dày bị co thắt, khó chịu, có thể xuất hiện tiêu chảy hoặc táo bón dài ngày,…
Các phương pháp điều trị viêm ruột thừa
Phẫu thuật loại bỏ ruột thừa bị viêm là phương pháp tiêu chuẩn trong điều trị viêm ruột thừa ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Cần can thiệp càng sớm càng tốt, tránh để cho ổ viêm vỡ ra gây nhiễm trùng cả khoang bụng. Hiện nay, có hai phương pháp được áp dụng đó là phẫu thuật thường và phẫu thuật nội soi.
Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu trước đây cho thấy có thể điều trị viêm ruột thừa không biến chứng bằng kháng sinh có hiệu quả trên 90% bệnh nhân, 10% còn lại và các trường hợp có biến chứng vẫn phải can thiệp bằng phẫu thuật. Nhưng khả năng tái phát của điều trị viêm ruột thừa không biến chứng bằng kháng sinh là khá cao chỉ trong một thời gian ngắn. Do vậy, các chỉ định ngoại khoa vẫn là lựa chọn ưu tiên với những trường hợp viêm ruột thừa.
Phẫu thuật được xem là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay giúp điều trị dứt điểm tình trạng viêm ruột thừa.
Phẫu thuật mở cắt ruột thừa
Các bước trong phẫu thuật mở cắt ruột thừa:
- Người bệnh sẽ được gây mê trước phẫu thuật, đảm bảo sát khuẩn và các điều kiện phẫu thuật thích hợp.
- Bộc lộ vùng bụng ở 1⁄4 dưới phải.
Rạch da theo đường chéo vuông góc với đường thẳng nối gai chậu trước trên và rốn, cách gai chậu trước trên khoảng 2-3 cm (hay còn gọi là đường Mc Burney)
Cắt cân chéo lớn và tách cơ vào khoang phúc mạc để dễ dàng bộc lộ ruột thừa
- Bộc lộ ruột thừa, sau đó thực hiện cắt mạc treo ruột thừa, khâu lại và cầm máu, giảm tình trạng mất máu quá nhiều ảnh hưởng sức khoẻ bệnh nhân.
- Xử lí phần gốc ruột thừa: gốc ruột thừa là nơi hội tụ của 3 dải cơ dọc của manh tràng, gốc ruột thừa có thể được xử lí bằng cách buộc hay khâu kín bằng chỉ tự tiêu, có thể vùi hoặc không vùi
- Vệ sinh sạch sẽ ổ bụng, kiểm tra túi thừa Meckel, diện cắt mạc treo ruột thừa và mỏm cắt ruột thừa
- Xử trí các tổn thương gây ra trong quá trình phẫu thuật (nếu có) và gửi bệnh phẩm ruột thừa làm mô bệnh học
- Cuối cùng khâu phục hồi lại cân cơ, khâu da.
Phẫu thuật nội soi
Nội soi là phương pháp hiện đại, có thể xử lí được khá nhiều vấn đề hiện nay. Phẫu thuật nội soi cũng là phương pháp ưu tiên trong điều trị viêm ruột thừa do mang lại nhiều ưu điểm vượt trội hơn phương pháp mổ thông thường.
Mổ nội soi được áp dụng cho mọi trường hợp, trừ các trường hợp chống chỉ định mổ nội soi như những người có mắc kèm các bệnh lí tim mạch, hô hấp ở mức độ nặng hay bệnh nhân có tiền sử mổ ở bụng nhiều lần trước đó,…
Việc mổ nội soi thường diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, tăng khả năng hồi phục vết thương, giúp vết thương chóng lành, giảm cảm giác đau đớn, giảm các biến chứng sau phẫu thuật, vết mổ nhỏ hơn phẫu thuật thường và hiệu quả ở những người béo có thành bụng dày do mổ thường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Tuy nhiên, một số trường hợp cần cân nhắc giữa mổ thường hay mổ nội soi tuỳ thuộc vào từng bệnh nhân, mức độ an toàn và hiệu quả của loại phẫu thuật.
Có 3 phương pháp phẫu thuật nội soi được sử dụng là phẫu thuật nội soi 1 đường rạch (SILS) , phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên và phẫu thuật nội soi có sử dụng các cánh tay robot (robotic).
Các bước cơ bản của phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa:
- Tiến hành thăm khám, đánh giá liệu bệnh nhân mổ nội soi có phù hợp, chuẩn bị tâm lí, bổ sung nước, điện giải đầy đủ.
- Gây mê cho bệnh nhân, giữ bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, hai tay khép dọc thân mình.
- Phẫu thuật viên chính đứng bên trái người bệnh, người phụ (cầm camera) đứng cùng bên với phẫu thuật viên chính và gần vai bệnh nhân. Monitor được đặt ở phía bên phải.
- Bộc lộ ruột thừa: Cắt mạc treo ruột thừa (động mạch ruột thừa) bằng dao điện lưỡng cực (bipolar)
- Xử lí gốc ruột thừa: gốc ruột thừa có thể được buộc hay khâu kín bằng chỉ tiêu hoặc kẹp Clip có khóa, đôi khi có thể xử lý góc ruột thừa bằng stapler nội soi
- Vệ sinh ổ bụng, kiểm tra túi thừa Meckel, diện cắt mạc treo ruột thừa và mỏm cắt ruột thừa
- Xử trí các tổn thương gây ra trong quá trình phẫu thuật (nếu có) và gửi bệnh phẩm ruột thừa làm mô bệnh học
- Khâu phục hồi lại các lỗ trocar, khâu da
- Nên dùng kháng sinh để điều trị sau mổ để giảm tình trạng nhiễm trùng.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần được chăm sóc chu đáo với chế độ đặc biệt. Sau mổ khoảng 12 giờ, có thể cho bệnh nhân ăn nhẹ, thực hiện các thao tác nhẹ nhàng taị chỗ, thường xuyên vệ sinh và thay băng vết mổ, sau mổ 3 – 5 ngày là người bệnh có thể được xuất viện rồi.
Những lưu ý trong chuyện chăn gối để tránh tổn thương vết mổ
Tình dục là sợi dây kết nối vô hình giữa hai người. Nhưng dù như thế nào thì các cặp vợ chồng cũng cần lưu ý nhiều điều nếu muốn quan hệ tình dục sau khi mổ ruột thừa. Dưới đây là một số khuyến cáo mà các bạn cần phải tuân thủ để đảm bảo an toàn cho người bạn đời của mình.
Có chế độ chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh
Việc chăm sóc chu đáo cùng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình hồi phục sức khoẻ của người bệnh.
Kiêng khem đủ thời gian theo khuyến cáo của bác sĩ
Các cặp vợ chồng cần tuyệt đối kiêng quan hệ ngay sau khi vừa phẫu thuật mổ ruột thừa.
Việc quan hệ tình dục sẽ phù hợp nhất khi cả hai bạn đều ở trạng thái khoẻ mạnh nhất, sẵn sàng cho cuộc ân ái.
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi muốn quan hệ lại bình thường
Lựa chọn tư thế quan hệ nhẹ nhàng, phù hợp
Tư thế quan hệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc yêu cũng như sức khoẻ người bệnh.
Dù theo phương pháp nào thì để điều trị viêm ruột thừa, mổ là điều thiết yếu. Điều này sẽ có thể khiến cho người bệnh chịu những cơn đau dù cuộc phẫu thuật đã qua một thời gian. Hơn nữa, nếu không được chăm sóc và bảo vệ thích hợp thì nhiễm trùng vết mổ, thậm chí là rách vết mổ có thể xảy ra, gây nguy hiểm.
Xem thêm: Các cách kéo dài thời gian quan hệ tình dục: An toàn, Dễ dàng, Hiệu quả
Quan hệ giữa hai vợ chồng không hợp lí sẽ tác động đến vùng bụng và vết thương, khiến cho người bệnh bị đau trở lại, ám ảnh trong cả những lần quan hệ sau đó. Do vậy, việc lựa chọn tư thế quan hệ nhẹ nhàng, hợp lí là điều rất cần thiết.
Bạn nên lựa chọn những tư thế mà người bệnh ở trên, hạn chế tối đa những tác động đến vùng bụng, thực hiện một cách chậm rãi, không nên gắng sức nếu thấy có bất kì khó chịu nào trong cơ thể.
Một số tư thế quan hệ mà bạn có thể lựa chọn đó là: Tư thế úp thìa, Tư thế thác nước. Doggy, các tư thế quan hệ từ sau lưng hay từ bên hông,…
Nếu khó khăn trong việc tìm kiếm tư thế phù hợp, các cặp đôi có thể thay đổi nhiều tư thế khác nhau nhưng cần hết sức nhẹ nhàng, chậm rãi, nếu có biểu hiện gì bất thường cần ngừng ngay, tránh vì chiều người tình của mình mà gắng sức. Điều này sẽ có thể gây ra những tổn thương không đáng cho chính bạn.
Tạo cảm hứng và chuẩn bị tâm lí thật tốt cho cuộc “yêu”
Cảm hứng cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng kể cả khi hai người đều khoẻ mạnh.
Những cử chỉ ôm hôn, thân mật của người bạn tình trước khi “lâm trận” cũng khiến cho nửa kia cảm thấy thoải mái, tăng ham muốn tình dục và nhiệt tình trong cuộc yêu hơn.
Đặc biệt, với trường hợp có một người vừa mổ ruột thừa thì vấn đề này càng cần được lưu tâm. Cuộc yêu sẽ nồng nhiệt và rạo rực hơn nếu có thêm những yếu tố lãng mạn, kích thích tinh thần của cả hai.
Bởi đôi khi, tâm lí sợ đau, sợ tổn thương, viêm nhiễm vết mổ sẽ khiến cho người bệnh không dám, sợ hãi khi người kia “gần gũi”.
Hãy ở bên cạnh, đồng hành và cùng nửa kia sẻ chia những điều mà họ gặp phải, tránh tình trạng nôn nóng, hấp tấp, muốn thoả mãn nhất thời của mình mà khiến đối phương phải chịu những tổn thương.
Vì vậy các bạn hãy thấu hiểu và cảm thông cho người bạn đời của mình nhé.
Mổ ruột thừa kiêng quan hệ bao lâu?
Mổ ruột thừa cần kiêng quan hệ vợ chồng trong bao lâu? Là câu hỏi của khá nhiều người. Do đây là một vấn đề khá tế nhị nên đôi lúc bác sĩ cũng ít khi đề cập đến sau khi ca phẫu thuật thành công mà vợ hay chồng cũng ngại không muốn hỏi.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, thời gian đầu mới phẫu thuật mổ ruột thừa, người bệnh cần tuyệt đối nói không với “chuyện tình dục” vì lúc này vết mổ vẫn chưa lành hẳn, dễ bị tổn thương dù chỉ là một va chạm nhỏ, quan hệ tình dục ngay lúc này không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người bệnh.
Thực tế tuỳ vào thể trạng, khả năng hồi phục và mức độ tổn thương trong ca phẫu thuật của mỗi người mà thời gian cần kiêng quan hệ sau mổ sẽ khác nhau, không có một khoảng thời gian nào quy định chính xác cho mọi người. Với những người có các bệnh lí mắc kèm như bệnh máu khó đông, chức năng gan suy giảm hay hút thuốc sẽ có thời gian hồi phục lâu hơn bình thường.
Sau khi cắt chỉ, nếu bạn cảm thấy sức khoẻ mình đã ổn định, vết mổ hồi phục, không còn cảm thấy đau rát, không có tình trạng viêm hay tổn thương tại vị trí phẫu thuật thì “chuyện yêu” có thể được diễn ra.
Đối với các phương pháp điều trị khác nhau thì thời gian kiêng khem cũng khác nhau.
Mổ ruột thừa thông thường bao lâu thì quan hệ được?
- Với phẫu thuật mổ thông thường:
Do phải rạch một đường dài ở vùng bụng để có thể bộc lộ phần ruột thừa và cắt bỏ nó nên sẽ mất nhiều thời gian hơn để cơ thể người bệnh khoẻ mạnh hoàn toàn. Hơn nữa, vết mổ thường cũng sẽ gây đau đớn nếu các cặp vợ chồng quan hệ sớm ngay sau phẫu thuật, cả hai cũng cần phải chuẩn bị tâm lí thật tốt để cho chuyện ấy diễn ra được trọn vẹn hơn.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn cần kiêng quan hệ trong ít nhất 2-3 tháng sau mổ.
Mổ ruột thừa nội soi bao lâu thì quan hệ được?
- Với phẫu thuật nội soi:
Thường phải kiêng quan hệ trong 1 – 2 tháng đầu, tuỳ vào thời gian hồi phục và tình trạng sức khoẻ của mỗi người do bác sĩ chỉ cần tạo 3 vết rạch cực nhỏ để cắt bỏ ruột thừa.
Bạn có thể cùng người ấy thực hiện chuyện “yêu” ngay khi cơ thể đã khoẻ mạnh hoàn toàn, vết thương đã lành hẳn, không gây khó chịu nữa.
Để đảm bảo an toàn hơn, các cặp vợ chồng nên tìm đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn phù hợp.
Sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn sau mổ ruột thừa
Do vết mổ ở vùng bụng nên nếu các cặp vợ chồng có dự định mang thai hay muốn quan hệ sau khi người vợ mới mổ ruột thừa xong thì phải chú ý hơn.
Việc có thai sớm sẽ gây ảnh hưởng đến vết mổ do khi mang bầu, tử cung và bụng của chị em phải dãn ra để có khả năng chứa thai nhi, đảm bảo cho việc phát triển của em bé.
Và sau phẫu thuật, chị em còn cần phải điều trị với một đợt kháng sinh để hạn chế tình trạng nhiễm trùng vết mổ.
Sử dụng kháng sinh trong thai kì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của em bé, đôi khi có thể gây ra những dị tật trên cơ thể thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu đời.
Tốt nhất các cặp đôi chỉ nên có bầu sau 3-6 tháng kể từ khi phẫu thuật mổ ruột thừa.
Xem thêm: Thuốc tránh thai Diane-35: Thành phần, công dụng, cách dùng
Hy vọng bài viết này sẽ có ích, giúp cho các bạn biết được sau mổ ruột thừa thì cần kiêng quan hệ trong bao lâu, nắm được đầy đủ những lưu ý để đảm bảo an toàn cho người bạn đời.