Thuốc kháng Histamin là gì? Các thuốc thường dùng và nguyên tắc sử dụng

4437
Đánh giá
Thuốc kháng Histamin
Thuốc kháng Histamin

Dị ứng là một tình trạng khá phổ biến, hầu như ai cũng đã từng gặp phải. Vậy, làm gì để điều trị các triệu chứng của trường hợp này. Câu trả lời đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến chắc hẳn là các thuốc kháng Histamin.

Vậy, có bao giờ bạn thắc mắc, có bao nhiêu loại thuốc kháng Histamin này không? Tác dụng của từng loại ra sao, được dùng trong những trường hợp nào? Bài viết dưới đây, Y tế 24h sẽ giải đáp mọi thắc của bạn.

Thuốc kháng Histamin là gì?

Histamin là gì?

Để có thể hiểu rõ hơn về thuốc kháng Histamin, chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu sơ qua về loại chất này.

Histamin là một chất dẫn truyền thần kinh gây ra các biểu hiện dị ứng và có thể gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng trong cơ thể. Điển hình như:

  • Đối với hệ hô hấp: nó có thể gây sưng niêm mạc mũi hoặc co thắt phế quản.
  • Đối với hệ tiêu hóa: có thể gây đau bụng, làm tăng tiết dịch vị.
  • Đối với hệ tim mạch: nó có thể là nguyên nhân gây giãn các mao mạch, góp phần làm tăng độ thấm của thành mạch máu. Từ đó mà gây ra các vấn đề như rối loạn nhịp thở, huyết áp không ổn định.
  • Và ngoài ra, Histamin cũng có thể ảnh hưởng đến lớp da bên ngoài cơ thể, là nguyên nhân gây ngứa da hay các phản ứng xung huyết phồng rộp.
Histamin
Hình ảnh: Công thức Histamin

Khi cơ thể bị dị ứng, Histamin được kích thích và kết hợp cùng với protein tạo nên phức hợp protein – histamin. Phức hợp này được giải phóng sẽ làm tăng tính thấm của thành mạch, nhờ đó mà các chất lỏng dễ dàng thoát ra và xâm nhập vào sâu bên trong các mô, gây ra hiện tượng dị ứng.

Cơ thể đáp ứng với hiện tượng này bằng những biểu hiện như:

  • Nhẹ: sổ mũi, ứa nước mắt.
  • Vừa: phát ban, mẩn đỏ, ngứa ngáy, phù nề, buồn nôn,…
  • Và nặng, có thể dẫn tới sốc phản vệ.

Đây cũng chính là cơ chế tác động của Histamin đối với cơ thể.

Thuốc kháng Histamin là thuốc gì?

Từ những phân tích trên về Histamin, có lẽ bạn cũng phần nào hiểu được về thuốc kháng Histamin. “Kháng” ở đây chính là đối kháng, là ngăn chặn lại các hoạt động, các ảnh hưởng mà thụ thể Histamin có thể gây ra cho cơ thể.

Cơ chế của tác động này chính là thông qua việc ngăn chặn sự kết hợp của Histamin với các thụ thể của nó. Hoặc cũng có thể thông qua quá trình làm giảm sự ảnh hưởng của Histamin lên các cơ quan nội tạng của cơ thể.

Các loại thuốc kháng Histamin

Hiện nay các sản phẩm thuốc kháng Histamin khá đa dạng về mẫu mã cũng như phân loại. Trên thị trường, thuốc kháng Histamin đang có mặt dưới các dạng chủ yếu là: viên uống, kem thoa và kể cả dạng tiêm.

Những sản phẩm thuốc kháng Histamin đầu tiên có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải, lơ mơ, dễ khiến buồn ngủ. Tuy nhiên, do tiến bộ của ngành Y dược, các sản phẩm thuốc kháng Histamin mới đây đã khắc phục phần nào được nhược điểm đó.

Các sản phẩm này không những ít gây buồn ngủ hơn mà tác dụng của nó cũng được kéo dài hơn. Nhờ vậy, hạn chế được việc phải dùng thường xuyên.

Thuốc kháng Histamin được phân ra làm 3 thế hệ và 4 thụ thể chính. Cụ thể của từng loại, từng đặng như thế nào, hãy cùng bài viết tiếp tục tìm hiểu.

Các thế hệ thuốc kháng Histamin

Như đã chia sẻ bên trên, hiện nay thuốc kháng Histamin đang được chia ra thành 3 thế hệ chính theo các giai đoạn phát triển của thuốc. Cụ thể là như sau:

Thuốc kháng Histamin thế hệ 1

Thuốc kháng Histamin thế hệ 1 hay còn gọi là thuốc kháng Histamin cổ điển, là những sản phẩm chống dị ứng đầu tiên, đặt nền móng cho các sản phẩm thế hệ tiếp theo. Những loại thuốc này được ra đời từ những năm 1939 đến cuối những năm 1970, bao gồm một số loại điển hình như: Chlopheniramine, Dexchlopheniramine…

Thuốc kháng Histamin thế hệ 1
Hình ảnh: Clorpheniramin thuộc nhóm kháng Histamin thế hệ 1

Tuy nhiên, do cũng là những sản phẩm thuốc đầu tiên nên nó cũng vấp phải một số nhược điểm như: uể oải, mệt mỏi, buồn ngủ do qua được hành rào máu não và thời gian tác dụng không dài. Do đó mà người dị ứng thường xuyên phải dùng, gây ra nhiều bất lợi lớn.

Hiện nay, các thuốc kháng Histamin thế hệ 1 được khuyến cáo chỉ nên sử dụng với những trường hợp được kê đơn bởi bác sĩ. Không sử dụng sản phẩm như các loại thuốc không kê đơn khác.

Thuốc kháng Histamin thế hệ 2

Đây là giai đoạn phát triển tiếp theo của thuốc kháng Histamin, bắt đầu từ đầu những năm 1980. Một số loại thuốc kháng Histamin thế hệ 2 được sử dụng khá phổ biến ở ngay nước ta như: cetirizin, loratadin, mequizin, terfenadin và một số loại khác.

Những sản phẩm này đã phần nào khắc phục được những ưu điểm còn tồn đọng của thuốc kháng Histamin thế hệ 1. Hầu hết các thuốc này đều không qua được hàng rào máu não, không xâm nhập được vào hệ thần kinh trung ương nên nó ít gây buồn ngủ, ít gây tổn thương về tâm thần – vận động.

Các thuốc kháng Histamin thế hệ 2 cũng mang đến thêm nhiều ưu điểm khác như: giúp kéo dài thời gian dùng thuốc nhờ vào sự tăng thời gian bán hủy; giúp hạn chế các tác dụng phụ hay gặp như táo bón, rối loạn điều tiết mắt hay khô miệng.

Thuốc kháng Histamin thế hệ 2
Cetirizine và Loratadine là 2 loại thuốc thuộc nhóm kháng Histamin thế hệ 2

Tuy nhiên, việc có những nhược điểm khác cũng là điều không tránh khỏi. Đó là, 2 loại thuốc astemizole và terfenadin được phát hiện là có khả năng gây ra rối loạn nhịp tim tâm thất, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong. Do đó mà chúng đã bị rút khỏi thị trường thuốc.

Thuốc kháng Histamin thế hệ 3

Thuốc kháng Histamin thế hệ 3 là những sản phẩm đồng phân hoặc đồng dạng của thuốc kháng Histamin thế hệ 2. Do đó, nó giống với thuốc kháng Histamin thế hệ 2 ở nhiều tính chất.

Tuy nhiên, xã hội ngày càng đi lên, giai đoạn sau phát triển dựa trên giai đoạn trước nhưng sẽ có những tiến bộ hơn. Và thuốc kháng Histamin thế hệ 3 cũng thế.

Ưu điểm hàng đầu của các thuốc này là không gây ra các biến chứng về tim mạch, khả năng tác dụng cũng được đánh giá là nhanh hơn, nhất là trong điều trị viêm mũi dị ứng.

Chính vì những lý do đó mà thuốc kháng Histamin thế hệ 3 hiện nay đang dần trở nên phổ biến và thay thế cho những dạng thuốc cũ hơn. Một số loại thuốc kháng Histamin thế hệ 3 phổ biến như: desloratadine, fexofenadine, levocertirizine,…

Thuốc kháng Histamin thế hệ 3
Fexofenadin thuộc nhóm kháng sinh thế hệ 3

Trong các phác đồ điều trị, khi mà thử nghiệm một nhóm thuốc thấy không mang lại hiệu quả điều trị thì sẽ thay thế bằng một nhóm thuốc khác nhằm mang đến một tác dụng tốt hơn hoặc tránh được khả năng gây ra tác dụng phụ hơn.

Nhóm thuốc kháng Histamin H1

Dựa theo thụ thể receptor mà nó đối kháng mà hiện nay, thuốc kháng Histamin được chia ra làm 4 loại chính. Đó lần lượt là thuốc kháng Histamin H1, H2, H3 và H4. Trong đó, 2 loại được sử dụng thường xuyên và mang lại hiệu quả cao trong điều trị là thuốc kháng Histamin H1 và H2.

Thụ thể H1 được tìm thấy vào năm 1966 tại cơ trơn và tế bào nội mô. Đây là nơi mà Histamin bám vào để từ đó gây ra các ảnh hưởng:

  • Gây co thắt cơ trơn của ruột và phế quản.
  • Gây giãn thành mạch, các cơ của mạch máu, nặng có thể là nguyên nhân gây sốc phản vệ.
  • Gây tăng tính thấm cho các mao mạch máu, là nguyên nhân gây hiện tượng phù nề.
  • Gây kích thích dây thần kinh ngứa, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngứa ngáy, phát ban, nổi mẩn.

Trên đây là các ảnh hưởng, còn biểu hiện thực tế giúp cho bạn nhận biết là gì? Khi Histamin gắn vào thụ thể H1, nó sẽ gây ra các biểu hiện, triệu chứng cụ thể đối với từng cơ quan, bộ phận như sau:

  • Đối với hệ hô hấp: sổ mũi, hen suyễn và nặng là co thắt phế quản.
  • Đối với hệ tim mạch: hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, tăng co thắt cơ tim.
  • Đối với da: gây ngứa ngáy, phát ban, nổi mề đay, phù nề.
  • Đối với hệ tiêu hóa: có thể gây tiêu chảy.
  • Đối với mắt: có thể gây viêm đỏ kết mạc mắt.
Nhóm thuốc kháng Histamin H1
Histamin H1 gây ra viêm kết mạc mắt

Phân loại thuốc kháng Histamin H1 hiện nay được chia nhỏ ra làm 2 loại chính: thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1 và thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2.

Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1

Về thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1 nó cũng khá giống với các loại thuốc kháng Histamin thế hệ 1 đã trình bày bên trên. Cụ thể là:

Đặc điểm

  • Nó có khả năng qua được hàng rào máu não, do đó mà có thể tác dụng lên cả hệ thần kinh trung ương và ngoại vi.
  • Có tác dụng an thần và chống buồn nôn.
  • Kháng cholinergic giống như atropine.
  • Tuy nhiên, thời gian tác dụng không dài, chỉ từ 4 – 6h, do đó mà phải dùng nhiều lần trong ngày.

Tác dụng phụ không mong muốn

Trong quá trình sử dụng các loại thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1, bạn có thể gặp phải những tác dụng phụ không mong muốn sau:

  • Khả năng tác dụng lên hệ thần kinh trung ương mà nó có thể ức chế thần kinh.
  • Nhờ tác dụng kháng cholinergic mà có thể dẫn tới tình trạng khô, như khô miệng hoặc là khô mắt.
  • Có thể gây ra tụt huyết áp tư thế.

Chỉ định

Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1 được dùng trong các trường hợp sau:

  • Dùng trong các trường hợp chống nôn, buồn nôn, chống say xe.
Chỉ định thuốc kháng Histamin H1
Vomina thuộc nhóm kháng Histamin H1 có tác dụng chống say xe
  • Có thể kế hợp dùng với thuốc ho để làm tăng tác dụng chống ho.

Chống chỉ định

Với những đối tượng sau đây không được sử dụng đối với những đối tượng sau:

  • Những người bị tăng nhãn áp.
  • Những người bị tắc nghẽn đường tiêu hóa.
  • Những người phải làm việc đòi hỏi độ tỉnh táo cao, người vận hành máy móc hay lái xe.

Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2

Thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 xuất hiện và ra đời sau, do đó đã phần nào khắc phục được những nhược điểm của thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1.

Tác dụng của thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2

  • Chỉ có một số loại thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 mới qua được hàng rào máu não. Do vậy, nó chỉ tác dụng lên hệ thần kinh ngoại vi, khó có thể tác dụng lên hệ thần kinh trung ương.
  • Không có tác dụng an thần.
  • Không có tác dụng chống buồn nôn và nôn.
  • Không có khả năng kháng cholinergic.
  • Kéo dài được thời gian tác dụng lên đến 1 ngày, do vậy mà hạn chế được các bất lợi khi phải dùng nhiều lần trong ngày.

Tác dụng phụ không mong muốn

Hai loại thuốc: astemizole và terfenadin có khả năng gây ra rối loạn nhịp tim. Do vậy mà chúng đã bị rút khỏi thị trường.

Cơ chế tác dụng của thuốc kháng Histamin H1 chống ngứa, dị ứng

Cơ chế tác dụng của thuốc kháng Histamin H1 được thể hiện như sau:

  • Ức chế cạnh tranh với Histamin tại receptor: do dư thừa chất Histamin khiến cho nó tranh chấp với các chất cảm thụ, đẩy chúng ra khỏi receptor, nhờ đó mà thuốc kháng Histamin H1 đã mang lại tác dụng làm giảm hoặc có thể làm mất đi tác dụng của Histamin.
  • Các thuốc kháng Histamin H1 cũng không gây ảnh hưởng đến sự hình thành hay sự giải phóng chất Histamin.
  • Tác dụng của các thuốc kháng Histamin H1 mang đến thiên về phần dự phòng hơn là điều trị. Phụ thuộc vào vị trí của thụ thể H1 mà tác dụng của thuốc mang đến rõ ràng nhất là tại vị trí cơ trơn và cơ ruột.

Thuốc kháng Histamin H1 đã mang đến những tác dụng sau đây trên lâm sàng:

  • Dùng trong các trường hợp dị ứng nhằm làm giảm đi các biểu hiện của chúng như: phát ban, mề đay, mẩn đỏ, ngứa ngáy.
  • Đối với các thuốc kháng Histamin H1 dạng kem hay dạng thoa có thể được sử dụng để thoa lên da, ngăn chặn tức thời các vết mẩn đỏ, sưng viêm gây ra bởi muỗi đốt, côn trùng cắn. Còn thuốc dạng uống thường được sử dụng trong những trường hợp phát ban mãn tính.
Cơ chế thuốc kháng Histamin trong chống dị ứng
Phenergan là thuốc kháng Histamin H1 có tác dụng bôi ngứa rất hiệu quả
  • Riêng đối với thuốc kháng Histamin H1 dạng tiêm có thể sử dụng sau khi tiêm adrenaline trong cấp cứu nhằm kịp thời ngăn chặn các phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra, nhất là tình trạng sốc quá mẫn hoặc phù mạch máu.
  • Thuốc kháng Histamin H1 cũng được chứng minh là có tác dụng đối với những trường hợp say tàu xe.
  • Một số loại thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần kháng Histamin H1 có thể được dùng trong điều trị viêm kết mạc dị ứng.
  • Một số loại thuốc mang đến tác dụng giúp chữa ốm nghén và buồn nôn hay nôn, giảm rối loạn tiền đình.
  • Một số loại thuốc kháng Histamin H1 được chứng minh cũng có khả năng an thần. Tuy nhiên, tác dụng này cũng còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân.
  • Một số thuốc có thể kết hợp điều trị với các loại thuốc khác nhằm giảm ho, sốt, hay các phát sinh do thay đổi thời tiết, nhất là tình trạng viêm mũi dị ứng, muỗi đốt, côn trùng cắn…

Xem thêm: Thuốc Glotizin 10mg: Công dụng, liều dùng, lưu ý tác dụng phụ

Nguyên tắc sử dụng thuốc kháng Histamin H1

Để có thể sử dụng thuốc đúng cách, bạn cần xác định rõ mục đích sử dụng thuốc cũng như chỉ định và chống chỉ định của thuốc.

Để giải đáp giúp các bạn vấn đề này, dưới đây là những khuyến cáo cụ thể của các chuyên gia, bác sĩ về những đối tượng được và không được sử dụng thuốc kháng Histamin H1.

Chỉ định

Với những đối tượng bị dị ứng do các nguyên nhân sau đây:

  • Viêm mũi dị ứng, tình trạng này có thể đã diễn ra nhiều năm (viêm mũi hàng năm).
  • Các dị ứng về da: phát ban, mẩn đỏ, mề đay, côn trùng cắn, muỗi đốt.
  • Bị bệnh huyết thanh.
  • Bị phù Quincke.
  • Bị dị ứng do tác dụng phụ của các loại thuốc khác mang đến.

Chống chỉ định

  • Không được dùng với các tổn thương ngoài da.
  • Với tình trạng sốc phản vệ thuốc cũng không mang lại tác dụng, cần hỏi thêm tư vấn của bác sĩ.

Lưu ý khi sử dụng

  • Thuốc không phải dùng 1 đợt là sẽ điều trị được, bạn cần phải dùng liên tiếp nhiều đợt mới hạn chế được tình trạng tái phát dị ứng trở lại.
  • Do mang đến tác dụng gây buồn ngủ nên một số loại thuốc kháng Histamin H1 cũng được dùng như các loại thuốc hỗ trợ tình trạng mất ngủ. Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc quá nhiều, nhất là đối với trẻ nhỏ vì có thể khiến cho các bé dễ bị mệt mỏi, lơ mơ và ảnh hưởng đến sự phát triển của trí tuệ.
  • Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai gặp phải các tình trạng dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản… trước khi sử dụng cần phải có sự cho phép của bác sĩ để được đảm bảo an toàn.
  • Đối với những trường hợp dị ứng nặng, thuốc kháng Histamin H1 chưa thể giải quyết được, bạn nên đến bệnh viện gần nhất để được xử lý kịp thời.
  • Sử dụng rượu bia trong thời gian sử dụng thuốc rất có hại và gây ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc cũng như của cơ thể. Do đó, tuyệt đối không nên sử dụng.

Dưới đây là một số loại thuốc kháng Histamin H1 khá phổ biến trên thị trường bạn có thể tham khảo và ghi nhớ đề phòng trường hợp dị ứng có thể mua được đúng thuốc.

Xem thêm: Thuốc Audocals: Tác dụng, liều dùng

Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1

Các ethanolamin

Mang đến tác dụng làm dịu và kháng cảm cholin, chống lại tình trạng say tàu hay say xe (vomina, nautamin). Lưu ý, thuốc mang đến tác dụng an thần, gây buồn ngủ nên cần phải cực kỳ cẩn thận trong quá trình sử dụng.

Thuốc dạng ống tiêm Dimedrol hàm lượng 10mg/1ml thường chỉ được khuyến cáo sử dụng trong bệnh viện.

Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1
Hình ảnh: Thuốc tiêm Dimedrol

Còn đối với loại thuốc nhỏ mắt Daiticol có phối hợp với kẽm sulfat có thể gây ra các phản ứng quá mẫn, tác dụng phụ đối với cơ địa của một số người. Do đó trước khi dùng hãy tham khảo qua ý kiến của những người có chuyên môn.

Các ethylendiamin

Ethylendiamin là các chất đối kháng chọn lọc của thụ thể H1. Nó được sử dụng phổ biến trong các thuốc tổng hợp như: pyrilamin và tripelennamin.

Các thuốc này giống như các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1 khác, đó là mang đến tác dụng an thần và dễ gây buồn ngủ. Do vậy đối với những người làm việc tại môi trường đồi hỏi độ tỉnh táo cao cần phải lưu ý.

Nhờ tác dụng gây tê tại chỗ, gây tê tức thì mà chúng được sử dụng trong hỗ trợ điều trị nhiều loại dị ứng khác nhau. Điển hình là dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, ezecma hoặc các dị ứng khác gặp phải sau khi tiêm huyết thanh.

Các alkylamin

Đây là những thuốc mang đến tác dụng chống dị ứng nhẹ và cho đến hiện nay vẫn được sử dụng khá phổ biến. 2 loại thuốc hay được hay được sử dụng nhất là: rompheniramin, chlopheniramin.

Các loại thuốc này có thể dùng trong đơn điều trị hoặc đa điều trị khi được phối hợp với các loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm khác. Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện các biệt dược phối hợp của chlopheniramin với paracetamol. Nó được sử dụng trong các trường hợp ho, cảm cúm hay đau họng.

Một lưu ý đặc biệt quan trọng là các loại thuốc này không được sử dụng cho những người có tiền sử bị các bệnh về tim mạch hay huyết áp cao để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 1
Hình ảnh: Paracetamol

Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện 1 loại thuốc mới thuộc nhóm này có tên là acrivastin. Nó được bào chế dưới dạng viên nang 8mg và được dùng trong các trường hợp điều trị mề đay mãn tính, viêm mũi dị ứng, ngứa nặng,…

Thuốc khánh Histamin tổng hợp – Các phenothiazin

Các thuốc chứa phenothiazin mà điển hình là promethazin đều mang đến tác dụng làm giảm chứng buồn nôn và giúp tăng khả năng kháng tiết cholin.

Đây được đánh giá là thuốc kháng Histamin tổng hợp mạnh nhất hiện nay. Bên cạnh đặc điểm tác dụng trên, nó cũng gây buồn ngủ, an thần, giảm lo âu.

Một lưu ý quan trọng đối với dạng thuốc tiêm là có thể chứa chất sulfit. Do vậy, nó có thể là nguyên nhân gây sốc phản vệ khi tiêm dưới da và gây ngừng thở đột ngột cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Các thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 thường dùng

Các piperazin

Các thuốc chứa piperazin mang lại tác dụng giúp làm dịu và chống lại cơn buồn nôn. Điển hình là các loại thuốc sau: cyclizin, hydroxyzin, cetirizin, meclozin.

Tuy nhiên, chúng không mang đến tác dụng an thần và kháng cholinergic.

Các thuốc này thường được dùng trong các điều trị tình trạng dị ứng mãn tính, dị ứng hô hấp, viêm mũi dị ứng, dị ứng lâu ngày.

Các piperidin

Dẫn đầu thuộc nhóm thuốc này là cyproheptadine (có trong thuốc Periactine, Peritol), Terfenadine (có trong thuốc Teldane). Những loại thuốc này đặc điểm chúng là mang đến tác dụng làm dịu ở mức trung bình các tình trạng dị ứng.

Nhóm thuốc này hiện được sử dụng phổ biến trong nhiều bệnh dị ứng khác nhau. Là nhóm thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 nên tác dụng của thuốc nhanh và kéo dài. Do vậy, chỉ cần sử dụng một lần mỗi ngày vẫn đem lại hiệu quả.

Thuốc kháng Histamin H2

Thụ thể H2 được tìm thấy vào năm 1972 trên các thành tế bào niêm mạc dạ dày. Sự kết hợp của Histamin tại đây sẽ làm kích thích dạ dày tiết ra acid dịch vị HCl.

Thuốc kháng Histamin H2 mang lại tác dụng tranh chấp vị trí với Histamin tại các thụ thể trên thành tế bào niêm mạc dạ dày, từ đó làm ức chế quá trình tiết dịch acid của dạ dày, cả khi đói lẫn khi bị kích thích.

Đây cũng chính là cơ chế tác dụng của loại thuốc kháng Histamin H2 này.

Xem thêm: Siloxogene là thuốc gì? Tác dụng, công dụng, liều dùng

Các thuốc kháng Histamin H2

Thuốc kháng Histamin H2 có tổng cộng là 4 loại, loại đầu tiên được tung ra thị trường là cimetidine. Sau đó lần lượt các thuốc khác cũng ra đời như: ranitidine, famotidine và nizatidine.

Theo như các nghiên cứu, khả năng tác dụng sinh học đối kháng H2 có sự thay đổi từ 50% ở thuốc ranitidine đến 90% đối với thuốc nizatidine.

Thuốc kháng Histamin H2
Hình ảnh: Thuốc Ranitidine

Để tăng tác dụng điều trị, bạn nên sử dụng các thuốc này một lần vào các buổi tối nhằm làm giảm sự tiết acid dịch vị HCl về đêm.

Một đặc điểm khác biệt của loại thuốc đầu tiên Cimetidine so với các loại còn lại đó là nó có tác dụng ức chế cytochrome P-450.

Công dụng

  • Làm lành các vết thương, vết loét trên thành dạ dày, dạ dày và cả tá tràng.
  • Giúp làm giảm và đẩy lùi tình trạng trở người thực quản rất hay gặp ở người lớn tuổi.
  • Đặc biệt, khi các thuốc này được kết hợp sử dụng với các thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng thì khả năng làm lành các vết thương, vết loét sẽ nhanh hơn.
  • Thuốc cũng được chứng minh là có tác dụng đối với các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa ở người trẻ. Còn đối với người già, trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh trường hợp có thể dẫn tới ung thư dạ dày.

Tác dụng phụ

Chung: Gây chậm nhịp tim do làm giảm tác dụng Histamin và một tác dụng ngoài ý muốn khác nữa nhưng không đáng kể như: đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy.

Tác dụng phụ của thuốc kháng Histamin H2
Tác dụng phụ của thuốc Histamin H2 có thể gây chóng mặt

Cimetidine:

  • Có thể gây tăng nồng độ của prolactine có trong huyết thanh, làm tăng tiết sữa.
  • Ngoài ra, nó cũng có khả năng kháng androgene nhờ vào việc đẩy các dihydrotestosterone ra khỏi những vị trí kết nối. Trên thế giới cũng đã ghi nhận một số trường hợp bị bất lực sau quá trình sử dụng loại thuốc này.
  • Làm giảm tốc độ chuyển hoá sinh học ở gan của một số loại thuốc, làm cho nồng độ của các thuốc trong cơ thể cao hơn mức cho phép.

Câu hỏi về thuốc kháng Histamin H2

Trong quá trình sử dụng các thuốc kháng Histamin H2, người dùng thường đặt ra một số câu hỏi. Dưới đây, bài viết sẽ thống kê những câu hỏi hay gặp nhất và giải đáp giúp bạn.

Thuốc kháng Histamin H2 có tác dụng trên thụ thể H1 không?

Thuốc kháng Histamin H2 hoàn toàn không có tác dụng lên thụ thể H1. Nó chỉ có tác dụng duy nhất lên thụ thể H2 tại thành dạ dày.

Thuốc kháng Histamin H2 bao gồm mấy loại?

Hiện nay, thuốc kháng Histamin H2 chỉ bao gồm 4 loại. Đó là: cimetidine, ranitidine, fomotidine, nizatidine.

Các thuốc kháng Histamin H2 đều gây ra tình trạng bất lực?

Không phải tất các 4 loại thuốc kháng Histamin H2 đều gây ra tình trạng bất lực, suy giảm ham muốn tình dục. Trong 4 loại, chỉ có duy nhất Cimetidine gây ra tác dụng phụ này.

Một điều đáng chú ý nữa, khi bạn ngưng dùng thuốc thì tác dụng phụ này cũng biến mất. Chỉ có khoảng 2% nam giới dùng thuốc mới gặp phải tình trạng trên.

Thuốc kháng Histamin H2 uống vào lúc nào?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều người dùng thuốc kháng Histamin H2 quan tâm trong quá trình sử dụng. Nên dùng thuốc vào lúc nào để đem lại hiệu quả sử dụng cao nhất?

Câu trả lời cho vấn đề này của bạn chính là: buổi tối, vì đây được đánh giá là thời điểm dạ dày tiết ra nhiều dịch vị nhất.

Thuốc kháng histamin H3 và H4

So với các loại thuốc kháng Histamin H1, H2 thì thuốc kháng Histamin H3 và H4 ít được sử dụng rộng rãi hơn.

Thuốc kháng Histamin H3

Thụ thể H3 được phân bố ở hệ thần kinh trung ương trước synap và được phát hiện vào năm 1983. Thuốc kháng Histamin H3 được bào chế nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Histamin tại vị trí này.

Công dụng của các loại thuốc kháng Histamin H3:

  • Điều hòa quá trình sinh tổng hợp và giải phóng chất Histamin cũng như 1 số chất dẫn truyền thần kinh khác.
  • Các loại thuốc này cũng được nghiên cứu và ứng dụng trong các trường hợp chóng mặt.
  • Ngoài ra, các loại thuốc này cũng có thể được dùng để chữa bệnh ADHD, bệnh Alzheimer cùng hội chứng ngủ rũ.
Công dụng của thuốc kháng Histamin H3
Thuốc kháng Histamin H3 điều trị bệnh Alzeimer

Hiện các loại thuốc kháng Histamin H3 vẫn đang trong quá trình phân tích và nghiên cứu thêm.

Thuốc kháng Histamin H4

Thụ thể H4 được phân bố chủ yếu ở các gốc tế bào máu. Các loại thuốc kháng Histamin H4 hiện vẫn đang trong quá trình thực nghiệm và chưa có một ứng dụng lâm sàng rõ ràng.

Ngộ độc thuốc kháng Histamin

Một số triệu chứng ngộ độc

Trên thế giới đã phát hiện một số trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc trong quá trình sử dụng thuốc kháng Histamin. Các trường hợp thường hay gặp nhất ở trẻ em, diễn ra sau 30 phút – 6 giờ sau khi uống thuốc.

Vậy, làm thế nào để biết rằng bạn đang bị ngộ độc thuốc kháng Histamin? Hãy dựa trên những triệu chứng đã được tổng hợp ở dưới đây:

  • Gồng người, ưỡn người, co giật toàn thân.
  • Lè lưỡi, vẹo cổ, mắt trợn và xoay bất thường.
  • Đồng tự bị giãn, run.
  • Trẻ bị sốt.

Ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu ngộ độc sau khi dùng thuốc kháng Histamin, bạn cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để kịp thời theo dõi và của lý.

Điều trị ngộ độc thuốc kháng Histamin

Ngay khi phát hiện trẻ hay kể cả người lớn có những dấu hiệu ngộ độc sau khi dùng thuốc kháng Histamin, bạn cần đưa ngay đến bệnh viện để kịp thời theo dõi và xử lý.

Tại đây, căn cứ vào liều lượng, loại thuốc đã sử dụng (thuốc có tác dụng an thần hay là không) cũng như nhiều yếu tố khác mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị thích hợp.

Quá liều kháng Histamin

Ở một số đối tượng, do muốn đẩy nhanh tác dụng điều trị hoặc do các nguyên nhân khách quan khác dẫn tới dùng quá liều thuốc kháng Histamin.

Việc lạm dụng thuốc, sử dụng quá liều dùng cho phép, có thể dẫn tới các tác dụng phụ không mong muốn sau đây:

  • Gây buồn ngủ, rối loạn giấc ngủ.
  • Gây cảm giác lo lắng, bất an, rối loạn sự tập trung.
  • Gây giảm tầm nhìn, run và xuất hiện ảo giác.
  • Gây động kinh, co giật, co thắt cơ bắp.
  • Gây khô miệng, khô mắt.
  • Đặc biệt nguy hiểm, nó có thể là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và gây tổn thương cho thận.

Chính vì thế, để hạn chế các tác dụng trên, lời khuyên dành cho bạn là không nên quá lạm dụng thuốc và dùng theo đúng liều dùng đã được khuyến cáo.