Thổi thuốc vào tai là cách chữa bệnh sai, nguy hiểm cho trẻ

257
Đánh giá
Hình ảnh tai cháu bé đầy thuốc
Hình ảnh tai cháu bé đầy thuốc

Bài viết Thổi thuốc vào tai là cách chữa bệnh sai, nguy hiểm cho trẻ

Nguồn: Quan Thế Dân

Ở vùng này ngoài việc đương đầu với các loại bệnh tật, chúng tôi còn phải chiến đấu với nhiều tập quán lạc hậu, nhất là trong nhi khoa.

Có đi về miền quê mới thấy ngành y mất uy tín như thế nào với dân chúng. Bệnh nhân vào viện luôn trong tư thế phòng thủ, không tin bệnh viện. Trong ý nghĩ của họ luôn cảnh giác cao độ với nhân viên y tế. Bất cứ khi nào bệnh nhân có diễn biến nặng là câu cửa miệng của họ là “tiêm cái gì làm bị sốc thuốc rồi”. Hoặc khi kể các diễn biến của bệnh thì bao giờ họ cũng cố nhớ xem trước đó nhân viên y tế có làm cái gì không, để quy kết quan hệ nhân quả. Các ví dụ thì rất nhiều, gần như là chuyện thường ngày. Ví dụ: “Sáng nay các cô ấy truyền nước gì mà con nhà tôi đi ỉa lỏng 5 lần”, “Từ lúc các cô ấy tiêm xong là con nhà tôi ho nhiều, thành cơn”, “Từ sáng toàn truyền nước rồi đến tối con nhà cháu thở mạnh”. Nhân viên y tế ở đây họ quen rồi nên không phản ứng nữa.

Nhưng tôi thì không thể quen được. Tôi là người làm việc vẫn bị cảm xúc chi phối, nên khi gặp những trường hợp “ăn vạ” kiểu như thế này, ít nhiều cảm hứng làm việc cũng tụt xuống. Tôi vẫn bức xúc không thể hiểu được nếu đã không tin nhau như thế thì còn đến bệnh viện để làm gì? Tại sao những người dân quê này không hiểu cách xã giao cơ bản nhỉ. Tại sao họ không thể nói một cách đơn giản: “Bác sĩ ơi, con nhà cháu sáng giờ đi ỉa 5 lần, hay “con tôi ho nhiều” hay “con tôi đang thở mạnh”… để bác sĩ biết mà xử trí. Tại sao họ lại cứ phải nhấn mạnh rằng do y bác sĩ làm cái này cái kia nên con họ mới vậy.

Sau rất nhiều suy nghĩ, tôi chỉ có thể rút ra một kết luận: ở vùng này, người dân đã hoàn toàn mất lòng tin vào nhân viên y tế. Khi niềm tin vào y tế chính quy bị mất thì niềm tin vào y học dân gian lên ngôi. Câu chuyện bệnh nhân gãy xương ở phòng khám xin về để bó lá là thường xuyên. Đột quỵ não thì châm chảy máu mười đầu ngón tay. Người ốm nằm lâu loét cùng cụt thì rửa nước lá bàng, rắc tro bếp. Trẻ em sốt cao thì lấy paracetamol hòa vào nước, bôi quanh rốn, bôi lòng bàn tay. Trẻ viêm tai giữa thì thổi thuốc tai. Cái vụ thổi thuốc tai này diễn ra rất phổ biến. Trẻ em thì thường xuyên viêm mũi họng rồi biến chứng viêm tai giữa. Mà viêm tai giữa thì chữa lâu khỏi, hay tái phát. Thế là kéo nhau đi thổi thuốc vào tai với lời hứa thổi 1 liều khỏi dứt bệnh.

Tôi nhiều khi khám những trường hợp trẻ bị thổi thuốc tai vừa giận mà vừa thương. Nhiều trẻ bị thổi thuốc đầy vào ống tai, thuốc ngấm nước cứng chắc như xi măng. Các bác sĩ tai mũi họng phải rất kiên nhẫn gắp từng chút dị vật ra khỏi ống tai. Nhiều ca phải làm đi làm lại mấy ngày mới làm sạch được ống tai. Sau khi lấy hết “thuốc” khỏi ống tai, thì lộ ra cái màng nhĩ căng phồng và tai giữa đầy mủ. Phải giải thích cho bố mẹ các cháu là viêm ở tai trong, thổi thuốc ở tai ngoài không giải quyết được gì mà còn gây ra các biến chứng làm nặng thêm.

Hình ảnh tai cháu bé đầy thuốc
Hình ảnh tai cháu bé đầy thuốc

Hôm nay ở trong khoa cũng có một ca như vậy. Trẻ ho sốt 3 ngày ở nhà, vào viện cho khám kỹ tất cả bộ phận. Thấy nội soi tai con có viêm tai giữa ứ dịch, thế là ngay buổi tối bố mẹ bế ngay con về nhà đi thổi thuốc tai, báo hại hôm sau bác sĩ lại phải cho đi lấy dị vật, rửa tai. May mà thuốc mới thổi nên rửa và lấy dị vật còn dễ dàng.