Meloxicam là thuốc gì? Công dụng, liều dùng, thận trọng tác dụng phụ

Ngày viết:
2884
Đánh giá
Meloxicam 7.5mg
Hình ảnh: Meloxicam 7.5mg

Thuốc chữa viêm khớp Meloxicam có hiệu quả không? Thuốc Meloxicam tác dụng như thế nào? Nó có tác dụng phụ không? Dùng thuốc Meloxicam cần lưu ý điều gì?… Hãy cùng Y tế 24h giải đáp những câu hỏi trên qua bài viết dưới đây nhé!

Meloxicam là thuốc gì?

Meloxicam là một trong số các loại thuốc có khả năng giảm đau, chống viêm một cách hiệu quả và làm hạ sốt nhẹ. Đây là thuốc thuộc nhóm không chứa steroid (NSAIDs). Thuốc được bác sĩ chỉ định trong điều trị một số trường hợp mắc bệnh về xương khớp.

Meloxicam được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, dung dịch tiêm, viên nén bao film. Hiện nay, 2 dạng Meloxicam được sử dụng nhiều nhất là Meloxicam 7.5mg và Meloxicam 15mg.

Meloxicam 7.5mg

Meloxicam 7.5mg
Hình ảnh: Meloxicam 7.5mg

Meloxicam 7.5mg có thành phần hoạt chất chính là Meloxicam hàm lượng 7,5 mg cùng một số loại tá dược như tinh bột, Magie stearate, đường lactose, Natri starch glycolat, Povidon, avicel,… vừa đủ một viên nén.

Meloxicam 15mg

Meloxicam 15mg
Hình ảnh: Meloxicam 15mg

Meloxicam 15mg dạng viên có thành phần tương tự Meloxicam 7,5 mg. Tuy nhiên hàm lượng hoạt chất là 15mg gấp đôi so với Meloxicam 7,5 mg.

Thuốc Meloxicam có công dụng gì?

Thuốc có công dụng làm giảm đau, kháng viêm là chủ yếu thường được các bác sĩ chỉ định trong điều trị các trường hợp mắc bệnh về xương khớp như sau:

Đối với các trường hợp mãn tính gồm có:

  • Người bị thoái hóa khớp.
Công dụng của Meloxicam
Meloxicam có công dụng làm giảm đau, kháng viêm
  • Bệnh nhân viêm khớp, thấp khớp.
  • Người mắc bệnh cột sống dính khớp.

Đối với các trường hợp cấp tính như:

  • Bệnh nhân mắc bệnh gout cấp tính.
  • Người có biểu hiện viêm khớp cấp.

Tác dụng của thuốc Meloxicam

Cyclooxygenase (COX) là enzyme có vai trò quan trọng trong bước đầu của quá trình tổng hợp Prostaglandin (PG) – chất tham gia vào phản ứng viêm.

Meloxicam tác dụng vào bước đầu của quá trình viêm nhờ ức chế men Cox không cho sự tổng hợp PG. Với liều thấp, theo như các nghiên cứu cho thấy Meloxicam ưu tiên ức chế Cox-2 hơn Cox-1. Nhờ kiểm soát được men này, quá trình viêm được làm giảm mà không tác động tới các hoạt động nào khác của cơ thể.

Do ức chế tổng hợp PG – chất có khả năng gây sốt nên Meloxicam còn có tác dụng trong hạ sốt.

Xem thêm: Viên khớp Đại Việt: Thành phần, công dụng, liều dùng

Cách sử dụng và liều lượng

Tùy vào từng dạng thuốc mà có nhiều cách sử dụng ví dụ như dùng theo đường uống, đường tiêm hoặc đặt trực tràng. Thuốc Meloxicam được khuyến cáo sử dụng với liều lượng như sau:

  • Đối với bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp: Bạn nên dùng mỗi ngày 2 viên uống tương ứng với hàm lượng 15 mg. Tuy nhiên tùy theo thể bệnh có thể giảm liều xuống còn 1 viên ứng với 7.5 mg trên ngày.
Cách sử dụng và liều lượng Meloxicam
Minh họa: Viêm khớp dạng thấp
  • Đối với người bị thoái hóa khớp hoặc viêm khớp thông thường: Bạn nên dùng mỗi ngày 1 viên tương ứng với 7,5 mg. Trong một số trường hợp nặng hơn có thể tăng lên đến tối đa 15 mg một ngày.
  • Đối với người mắc bệnh lý về thận hoặc đang trong quá trình chạy thận: Bạn chỉ nên dùng 1 viên mỗi ngày ứng với 7,5 mg. Nếu mắc bệnh suy thận nhẹ thì có thể dùng tối đa 15 mg một ngày.
  • Liều dùng dành cho trẻ em: Liều dùng thuốc cho trẻ em chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên đối với trẻ em trên 12 tuổi không nên dùng quá 7,5 mg trên một ngày. Bạn nên tuân thủ đúng theo liều lượng bác sĩ kê đơn.

Đối với thuốc dạng tiêm liều dùng khuyến cáo không nên quá 15 mg một ngày, nếu dùng thuốc tiêm cho trẻ em thì chỉ được dùng cho trẻ trên 15 tuổi.

Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy từng tình trạng bệnh cũng như cơ địa từng người mà có liều dùng không giống nhau. Bạn nên uống thuốc đúng theo liều được bác sĩ kê đơn.

Xem thêm: Hoạt Huyết Phục Cốt Hoàn có tốt không?

Làm gì khi uống quá liều?

Khi uống quá liều có thể gây ra một số tác dụng ngoài ý muốn và có thể dẫn tới trường hợp khẩn cấp. Bạn nên tới ngay cơ sở y tế gần nhất để có cách xử lý kịp thời.

Chống chỉ định

Không dùng Meloxicam đối với các trường hợp sau đây:

  • Người dị ứng hoặc mẫn cảm với Meloxicam hay với bất kỳ tá  dược nào có trong thuốc.
  • Phụ nữ trong thai kỳ hoặc đang cho con bú.
  • Người đang dùng các loại thuốc kháng viêm thuộc nhóm NSAIDs khác.
  • Người có tiền sử dị ứng với các loại thuốc kháng viêm thuộc nhóm NSAIDs.
  • Người bị viêm loét dạ dày tá tràng.
Chống chỉ định sử dụng Meloxicam
Chống chỉ định sử dụng Meloxicam với người viêm loét dạ dày tá tràng
  • Suy gan, thận nặng.
  • Trẻ em dưới 12 tuổi đối với thuốc dạng viên nén.
  • Trẻ em dưới 15 tuổi đối với thuốc dạng tiêm.

Tác hại của thuốc Meloxicam

Cũng như các loại thuốc khác, Meloxicam cũng có hai mặt tác dụng. Ngoài tác dụng chính là giảm đau chống viêm Meloxicam cũng có một số tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc.

Các biểu hiện cấp tính như:

  • Triệu chứng của dị ứng như nổi mẩn, phát ban, sưng mặt, rát lưỡi, sưng rát họng,…
  • Tức ngực, thở hổn hển, tăng huyết áp,…
  • Cơ thể suy nhược, mất cân bằng cơ thể, giảm thị lực,…
  • Phân đen hoặc đi ngoài ra máu, có hắc ín trong phân.
  • Sưng tấy một vài bộ phận trên cơ thể, gây tăng cân nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.
  • Buồn nôn, nôn, ho ra máu, chán ăn, đau bụng trên,…
  • Nước tiểu màu vàng đậm, tiểu ít, vàng da hoặc vàng mắt,…
  • Trên da có những vết bầm tím, tê đau hoặc ngứa, yếu cơ.
  • Có thể sốt, phát ban đỏ hoặc tím nhất là trên vùng da mặt, có thể gây phồng rộp trên da.

Khi xuất hiện một trong số các triệu chứng trên, bạn cần ngừng sử dụng thuốc và tới ngay cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời.

Một số biểu hiện ít nghiêm trọng hơn như:

  • Tiêu chảy, khó tiêu, đầy hơi,…
  • Đau đầu, có thể dẫn tới stress,…
  • Đau họng, nghẹt mũi nhẹ.
  • Choáng, ù tai, ngủ gật,…

Tuy nhiên nếu gặp nhiều triệu chứng cùng lúc, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thích hợp.

Tương tác thuốc

Khi dùng thuốc Meloxicam kết hợp cùng một số loại thuốc khác hoặc thực phẩm hàng ngày có thể dẫn tới tăng hiệu quả của thuốc hoặc cũng làm tăng các tác dụng phụ của thuốc. Vậy nên khi được bác sĩ kê thuốc Meloxicam, bạn nên trình bày rõ ràng về tình trạng sức khỏe cũng như các loại thuốc đang sử dụng để tránh những tác dụng ngoài ý muốn xảy ra.

Một số thuốc không nên kết hợp với Meloxicam như:

  • Các thuốc kháng viêm thuộc nhóm NSAIDs khác bởi vì khi kết hợp với nhau có thể làm tăng nguy cơ gây viêm loét, chảy máu dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa,…
  • Các thuốc chống đông máu như heparin, ticlopidine có thể tăng nguy cơ xuất huyết, phát ban,…
  • Thuốc Meloxicam có thể làm giảm hiệu quả tránh thai đối với các biện pháp tránh thai đặt trong tử cung.
  • Những thuốc có tác dụng hạ huyết áp, lợi tiểu khi dùng kết hợp với Meloxicam sẽ làm giảm hiệu quả tác dụng do Meloxicam ức chế tổng hợp prostaglandin – chất có tác dụng làm hạ huyết áp.
  • Khi kết hợp Meloxicam với Methotrexate có khả năng làm tăng độc tính của Methotrexate trong máu, vì vậy cần theo dõi, kiểm soát chặt chẽ công thức máu người bệnh khi dùng kết hợp hai loại thuốc này.
Tương tác thuốc với Meloxicam
Hình ảnh: Công thức cấu tạo của kết hợp Methotrexate
  • Khi kết hợp Meloxicam với Cyclosporin có khả năng làm tăng độc tính của Cyclosporin trên thận. Khi dùng kết hợp, cần thận trọng theo dõi chức năng thận.

Thận trọng khi dùng

  • Người có tiền sử mắc các bệnh dưới đây nên thận trọng khi dùng thuốc:
  • Bệnh nhân mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
  • Người đang sử dụng các loại thuốc kháng viêm giảm đau không chứa steroid khác.
  • Bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc chống đông máu.
  • Người đang sử dụng các loại thuốc lợi tiểu.
  • Bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận nặng.
  • Người cao tuổi nên thận trọng khi dùng Meloxicam bởi do chức năng gan, thận suy giảm.
  • Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em.

Xem thêm: Goncal: Tác dụng, liều dùng, có nên sử dụng cho phụ nữ mang thai không?

Piroxicam và Meloxicam có gì khác nhau?

Piroxicam là thuốc giảm đau cũng thuộc nhóm NSAIDs và có tác dụng tương đương với Meloxicam. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cho thấy Meloxicam có tác dụng chọn lọc trên enzyme Cox-2 hơn nên gây ra ít tác dụng ngoài ý muốn hơn so với Piroxicam như tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, hệ thống tim mạch.

Meloxicam giá bao nhiêu?

Theo khảo sát thị trường thuốc Việt Nam, Meloxicam với các dạng khác nhau có giá trung bình như sau:

Giá thuốc Meloxicam 7.5mg

Meloxicam 7.5mg dạng viên uống đóng hộp 30 viên có giá bán 21.000 VNĐ/ 1 hộp.

Giá thuốc Meloxicam 15mg

Meloxicam 15mg hộp 30 viên dạng viên uống có giá bán 50.000 VNĐ mỗi hộp.

Giá thuốc Meloxicam 15mg/1,5ml

Meloxicam Stada 15mg dạng thuốc tiêm gồm 5 ống có giá bán trung bình 20.000 VNĐ/ hộp.

Meloxicam mua ở đâu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh?

Thuốc Meloxicam không được bán rộng rãi trên thị trường, bạn có thể tìm mua tại một số nhà thuốc, cơ sở sản xuất,… Ngoài ra, bạn có thể đặt mua thuốc qua các trang nhà thuốc online.

Với tình hình thị trường thuốc hiện nay đang cạnh tranh khốc liệt, bạn nên chọn mua thuốc Meloxicam tại các nhà thuốc, cơ sở sản xuất, website nhà thuốc online uy tín để tránh tình trạng mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng ảnh hưởng tới chất lượng sức khỏe của bản thân.

Nếu còn bất kỳ thắc mắc hay cần thêm tư vấn thêm bạn có thể tới các cơ sở y tế như nhà thuốc hay bệnh viện hoặc bạn có thể gọi ngay đến đường dây nóng của chúng tôi. Với đội ngũ dược sĩ giàu kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giải đáp mọi câu hỏi của bạn.

Hy vọng thông tin trên đây hữu ích với bạn!